Dụ ngôn người gieo giống (Ngày 10 tháng 7 năm 2011 – Chúa Nhật 15 Thường niên A)
Dụ ngôn người gieo giống
Mt 13, 1-9
1. Bối cảnh (c. 1-3a)
Chúng ta nên dùng trí tưởng tưởng để hình dung ra khung cảnh: Đức Giêsu từ trong nhà đi ra (lát nữa Ngài sẽ kể chuyện: “Người gieo giống đi ra gieo giống”); Ngài ngồi ở ven Biển Hồ và dân chúng tụ họp bên Người rất đông (có thể dừng lại chiêm ngắm hình ảnh này); Ngài xuống thuyền ngồi, còn dân chúng thì đứng trên bờ (chúng hay tưởng tượng ra ngai, ra tòa; nhưng ở đây thật là bình dị và gần gũi).
Đức Giêsu có thói quen giảng dạy ở đây trong môi trường rất đời thường này; Đức Giêsu gieo Lời Thiên Chúa như thế đó; đám người rất đông, họ là những ai, từ đâu tới? Họ nói với nhau những gì? Và nếu tôi có mặt: tôi là ai, tại sao tôi đến, đi với nhóm nào, đứng ở đâu để nghe Đức Giêsu? Người dùng dụ ngôn mà giảng dạy, nghĩa là gieo lời; thế nào là một dụ ngôn? Dụ ngôn khởi đi từ kinh nghiệm đời thường, nhưng lại nói cho những đôi tai “biết lắng nghe”, những điều kín ẩn của Thiên Chúa.
2. Dụ ngôn (3b-8)
a. “Người gieo giống đi ra gieo giống” (c. 3b): Biến cố khởi đầu
Cần ghi lòng tạc dạ lời này của Đức Giêsu, để cho lời này thấm vào người mình thật rộng và thật sâu.
Có thể một số trong chúng ta đến từ những gia đình làm vườn, làm ruộng hay lâm nghiệp; nếu không, chúng ta cũng biết được những hoạt động này qua chương trình học phổ thông hay các phương tiện truyền thông. Đối với chúng ta, “người gieo giống ra đi gieo giống” là sự kiện quá đỗi bình thường và lập đi lập lại. Nhưng lời này, vì xuất phát từ miệng Đức Giêsu, nên diễn tả một biến cố thật lớn lao: Ngôi Lời Thiên Chúa, ra khỏi cung lòng Thiên Chúa, đi gieo Lời của mình (trong sáng tạo, lịch sử loài người và lịch sử cứu độ và Đức Giêsu-Kitô); nhưng Ngài không chỉ gieo Lời của mình, mà còn gieo chính mình, vì Lời Ngài và Ngài là một. Hãy dừng lại thật lâu và ra khỏi mình để chiêm ngưỡng, ca tụng và tạ ơn.
b. “Có hạt…” (c. 4-7): Có những hạt rơi xuống vệ đường (c. 4); có những hạt rơi trên sỏi đá (c. 5-6); có những hạt rơi vào bụi gai (c. 7)
Đừng vội đấm ngực ngay, nghĩa là đừng vội đồng hóa mình với trường hợp này hay trường hợp kia. Hãy ghi nhớ Lời Chúa, và tìm hiểu ở bình diện tự nhiên trước đã, từng trường hợp một và so sánh với nhau: trường hợp đầu mất trắng vì những con chim; trường hợp sau khá hơn một chút: nó mọc ngay vì đất không sâu, nhưng vì nắng gắt và thiếu rễ sâu nên bị cháy và chết khô; trường hợp thứ ba khá hơn: giả định nó nẩy mầm, mọc thành cây, nhưng vì sống ở giữa bụi gai, gai cũng lớn lên và mạnh hơn nên làm cây chết ghẹt. Chú ý đến những nguyên nhân: chim chóc, nắng gắt, thiếu rễ, gai góc.
Thay vì “trách móc” các thứ đất xấu, làm uổng phí hạt giống, chúng ta có thể “trách móc” chính người gieo giống: tại sao người gieo giống lại gieo hạt “tùm lum” như thế? Hay ít là, tại sao người này đã để cho hạt giống rất quí báu của mình rơi vãi “tùm lum” như thế? Gieo đại trà, gieo quảng đại, gieo không phân biệt, không xét đoán, thật kì cục! Lời Chúa vẫn được gieo “tùm lum” như thế hàng ngày đấy. Nếu được đánh động, có thể dừng lại thật lâu ở điều lạ lùng này.
c. Có những hạt rơi nhằm đất tốt (c. 8)
Ghi nhớ thật kĩ lời này của Chúa, vì đây là đỉnh cao, hay điểm tới của dụ ngôn.
Thế nào là đất tốt? Dường như cũng phải luôn làm việc để đất luôn tốt và như thế tránh được các nguyên nhân kể trên, nghĩa là tránh được chim chóc, nắng gắt, thiếu rễ và gai góc. Chú ý đến kết quả: gấp trăm, sáu chục, ba chục. Rõ rằng là bội thu và có khả năng bù lại tất cả những gì bị mất, xét cho cùng không đáng bao nhiêu! Và đó là điểm tới tất yếu của Nước Trời.
Bây giờ, hãy nhìn vào chính mình: Đâu là thân phận của những hạt giống, của Lời Chúa trong đời tôi, trong ngày sống của tôi? Dường như tôi có tất cả mọi thứ!
Tuy nhiên, điều mà dụ ngôn của Đức Giêsu muốn hướng chúng ta tới là hãy cố nhận ra phần đất tốt nơi mình, nhận ra hạt giống được gieo vào phần đất tốt này, mọc lên và lớn mạnh, rồi sinh hoa kết quả nhiều đến độ có thể bù lại những đã mất. Xin Chúa vun xới phần đất tốt này và mở rộng nó ra. Tuy nhiên đừng ảo tưởng nơi mình sẽ chỉ còn là đất tốt. Chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Chúa trong công việc “làm đất” này.
3.“Ai có tai nghe thì nghe” (c. 9)
Ghi nhớ lời này. Chúa hay nhắc đi nhắc lại, vì có điều gì đó rất hệ trọng liên quan đến đôi tai. Ơn gọi của đôi tai: âm thanh và ý nghĩa (thuộc bình diện thinh lặng). Nghe dụ ngôn của Chúa và hiểu được mầu nhiệm Lời Chúa. Điều này mời gọi chúng ta cũng nghe đời mình, nghe cuộc sống như là một dụ ngôn.
4. Lời Chúa là Sự Sống (Is 55, 10-11)
Lời Chúa được ví như hạt giống trong Tin Mừng. Ở đây, trong Is 55, Lời Chúa còn được ví như mưa, như tuyết; mưa và tuyết là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống lớn lên. Ngoài ra, để nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái, hạt giống còn cần ánh sáng nữa; và Lời Chúa cũng là ánh sáng luôn (x. Ga 1, 9; và St 1, 3). Như vậy, Lời Chúa là tất cả: vừa hạt, vừa điều kiện thiết yếu làm cho hạt nầy mầm; bởi lẽ Lời Chúa là chính Sự Sống.
“Lời xuất phát từ miệng của Ta, sẽ không trở lại với Ta mà không thực hiện ước ao của Ta và hoàn tất điều là Lời của Ta được sai đi thực hiện”. Ước ao của Thiên Chúa, điều mà Lời được sai đi thực hiện là gì? Hình ảnh mưa và tuyết bày tỏ cho chúng ta thật cụ thể và cũng rất hiển nhiên: tưới gội mặt đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói của bánh ăn. Quá đẹp! Những hình ảnh thật sống động và rất gần gũi này diễn tả cho chúng ta Lời Chúa phục vụ sự sống như thế nào; bởi vì Lời Chúa là Sự Sống, hôm nay và mãi muôn đời.
Lời của ngôn sứ Isaia không chỉ mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về Lời Chúa, mà còn giúp chúng ta hiểu đúng hướng dụ ngôn Người Gieo Giống: hoa trái, và hoa trái bội thu là kết quả tất yếu của Lời Chúa, bất chấp những trở ngại, thậm chí bất chấp điều tưởng là thất bại. Như thế, hiểu dụ ngôn theo hướng luân lí là một khả thể, nhưng có lẽ không phải là sứ điệp mà dụ ngôn muốn thông truyền cho người nghe.
Dụ ngôn còn loan báo cho chúng ta Mầu Nhiệm Thập Giá. Nơi Thập Giá, trở ngại lớn nhất là sự dữ, và sự dữ được để cho đi đến cùng: hủy diệt Hạt Giống, vốn cũng là Người Gieo Giống. Bởi vì nơi Thập Giá, Người Gieo Giống gieo chính mình (x. Ga 12, 24). Nhưng điều kì diệu đã xẩy ra: đó lại là con đường thần linh, nhưng cũng rất nhân linh và thiên nhiên, để cho Hạt Giống nảy mầm, lớn lên sinh hoa kết quả “gấp trăm” cho sự sống của con người, hôm nay và mãi mãi.
Đó chính là công trình của Đức Chúa
qủa là điều kì diệu trước mắt chúng ta.
(Tv 118, 22-23; Mc 12, 11)
Giuse Nguyễn Văn Lộc