Phương pháp cầu nguyện: Lectio Divina
I. TRÌNH BÀY TỔNG QUÁT
"Kinh Thánh là một Bí Tích, là tấm màn che. Qua đó, chúng ta phải khám phá ra khuôn mặt Tình Yêu" (Maurice Zundel)
Mở sách Kinh Thánh và hãy nhìn thấy duy nhất một mình Chúa GIÊSU. Chúa THÁNH LINH thúc đẩy chúng ta mở Nhà Tạm Kinh Thánh. "Không nên xem sách Kinh Thánh như là một cuốn sách, cho dù là thiêng liêng, nhưng phải xem sách Kinh Thánh như là một Nhà Tạm, một nơi ưu tiên để gặp gỡ Bạn Tình Chí Ái". Chính Chúa THÁNH LINH ban cho chúng ta nỗi niềm đói khát Bánh Lời Chúa. Cũng chính Ngài ban cho chúng ta trí thông minh để hiểu các bản văn Kinh Thánh. Một khi chúng ta làm công việc của mình thì Chúa Thánh Linh sẽ tiếp sức và làm cho chúng ta hưởng nếm Lời Chúa êm dịu dường nào! THÁNH LINH làm cho Lời Chúa được sinh sản dồi dào trong chúng ta như ngày xưa nơi Trinh Nữ Maria vào ngày Lễ Truyền Tin (xem Isaia 55, 10-11).
Kinh Thánh vừa che dấu vừa mặc khải sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, và được xếp vào hàng các Bí Tích. Kế hoạch các Bí Tích phát xuất từ việc Ngôi Lời Nhập Thể. Thân xác Ngôi Lời làm giảm bớt vinh quang Thiên Chúa. Lời không phải là không có liên hệ với thể xác Ngôi Lời, và cũng không phải là không có liên hệ với Thánh Thể: Hình Bánh và Hình Rượu che khuất mắt chúng ta sự hiện diện của Ngôi Lời, và cùng lúc, mặc khải cho chúng ta sự hiện diện này.
Nhờ làm quen với Lời, chúng ta có thể đọc được những bí ẩn của con tim nơi gương mặt Chúa Kitô. Kinh Thánh là tấm lưới và phải nhìn khuôn mặt của Người Bạn Tình qua tấm lưới này, như được mô tả trong sách Diệu Ca nơi chương 2 câu 9.
Đọc Lời Chúa tức là tìm kiếm gương mặt Chúa Kitô, trên đó tỏa sáng vinh quang của Chúa Cha (2Cor 4,6).
II. NHỮNG NỀN TẢNG CỦA VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA
Đọc Lời Chúa là con người đáp lại mặc khải THIÊN CHÚA. THIÊN CHÚA mặc khải trong việc sáng tạo: sáng tạo là lời của Ngôi Lời; chiêm ngắm việc sáng tạo là một hình thức của việc đọc Lời Chúa.
Giai đoạn thứ hai của mặc khải: các giao ước.
Giai đoạn thứ ba của mặc khải: các tiên tri.
Chúng ta phải đặt việc đọc Lời Chúa vào bên trong của hoạt động Chúa Ba Ngôi. Đọc Lời Chúa là truyền thống cổ xưa nhất của các đan viện Xitô. Đọc Lời Chúa có nguồn gốc trong Do Thái giáo và trong các cộng đoàn Kitô tiên khởi.
Đọc Lời Chúa là một gia sản của Giáo Hội, thừa hưởng từ hội đường Do Thái - do đó việc đọc Lời Chúa không dành riêng cho các đan sĩ - nhưng là gia sản của hết mọi người, với tư cách là những người được rửa tội. Cần tái khám phá chỗ đứng của Lời Chúa trong gia sản của chúng ta.
III. VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA GẮN LIỀN VỚI PHỤNG VỤ GIỜ KINH VÀ THÁNH THỂ
Cách thức chúng ta lắng nghe Lời Chúa sẽ tương hợp với Phụng vụ. Phụng vụ là kim chỉ nam cho việc đọc Lời Chúa. Phụng vụ trước tiên là một mầu nhiệm và chúng ta chỉ có thể sống mầu nhiệm này dưới nhiều hình thái khác nhau và trơ trụi của nó. Nét đa dạng trong lối diễn tả không đạt tới chiều sâu.
Tác động của Chúa THÁNH LINH giống như cơn gió thoảng. Chỉ có linh hồn nào canh chừng Ngài đến thì mới cảm nhận được bước Ngài đi qua. Phụng vụ Giáo Hội là khung cảnh Chúa THÁNH LINH thích dùng để tỏ lộ tâm tình của Ngài cho chúng ta.
Chính Chúa THÁNH LINH phán bảo qua niên lịch Phụng vụ. Xuyên qua Lời Chúa do chính Giáo Hội chọn, Chúa THÁNH LINH tuôn đổ nơi chúng ta ơn thánh của Ngài, ơn thánh tương hợp với Phụng vụ của ngày. Không có sự khác biệt giữa những gì chúng ta sống khi tham dự Phụng vụ với những gì chúng ta sống khi ở tại phòng riêng. Việc đọc Lời Chúa khi được làm theo nhịp điệu của Phụng vụ thì sẽ thống nhất cuộc sống của chúng ta. Đọc Lời Chúa là một tác động thống nhất. Một linh hồn của Giáo Hội thường chỉ được huấn luyện nơi trường dạy của Phụng Vụ.
Chính trong niềm hiệp thông với Giáo Hội mà chúng ta suy gẫm Kinh Thánh. Trong niềm hiệp thông với các thánh, chúng ta hiệp nhất với vô số chứng nhân đã từng suy gẫm Lời Chúa trước chúng ta.. Vậy thì nên đọc Lời Chúa trong sự thông hiệp với các chứng nhân xưa cũng như với các chứng nhân đồng thời của chúng ta. Sự cô tịch của một đan sĩ được bao bọc bởi vô số người, được chiếm cứ bởi thiên quốc, như thiên thần và các thánh.
Niềm nở tiếp nhận Lời Chúa
Đọc Lời Chúa không phải là một thực tập chú giải; nhưng là đọc Lời Chúa với con tim, nghĩa là chiêm ngắm vinh quang của Chúa Cha nơi gương mặt của Chúa Kitô và được Chúa THÁNH LINH mặc khải trong Kinh Thánh. "Chính khi chúng ta hoán cải trở về với THIÊN CHÚA mà tấm màn che khuôn mặt THIÊN CHÚA được cất đi" (2Cr 4,6).
IV. NGUỒN CỘI DO THÁI CỦA VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA
Trong truyền thống do thái, cuốn TORAH (nghĩa là các sách thánh và lề luật) chiếm một chỗ đứng chính yếu. Chúa GIÊSU tự xưng mình là cuốn TORAH bằng xương bằng thịt: "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6). Lề luật có liên hệ mật thiết với Giao Ước. Giao Ước Núi Sinai là một giao ước phu thê. Lề luật là món quà cưới Chúa trao ban cho dân Ngài. Lề luật là phong tục tập quán của Chúa, là cách thức để được nhìn thấy Chúa và tác động của Ngài. Tác động của Chúa là lối diễn tả bản thể của Ngài là Tình Yêu. Thánh vịnh 118 là bản tình ca của lề luật, bởi vì lề luật tỏ lộ tấm lòng của Chúa đối với dân Ngài. Học hỏi và nghiền ngẫm Lề Luật là phận vụ cao đẹp nhất của mọi người Do Thái. Đọc Lời Chúa là đi vào mối liên hệ thân tình với Chúa: "Ước gì sách lề luật luôn ở trên môi miệng con: hãy ngày đêm suy gẫm lề luật, hầu có thể hành động như lề luật dạy" (Jos 1,8).
Thế nhưng suy gẫm là gì đối với một người Do Thái? Thưa là suy gẫm với miệng, với lưỡi, với môi, với hơi thở, chứ không phải chỉ với đầu óc mà thôi. Suy gẫm tức là lập đi lập lại, là thầm thĩ đọc lại Lời Chúa. Việc đọc Lời Chúa, trong nguồn gốc Do Thái, bao gồm chiều kích xã hội: đọc Lời Chúa nơi hội đường hay trong gia đình.
* BA YẾU TỐ CỦA VIỆC SUY GẪM LỜI CHÚA NƠI NGƯỜI DO THÁI:
. Đọc thành lời
. Ghi nhớ vào ký ức
. Nghiền ngẫm (suy đi nghĩ lại).
1. Đọc thành lời
Ngay cả khi đọc riêng một mình, cũng phải đọc Lời Chúa to thành tiếng, phát âm rõ ràng, để chẳng những chỉ có mắt làm việc, nhưng cả miệng và tai cũng làm việc nữa. Đây là việc đọc Lời Chúa to tiếng, để chính mình cũng nghe được.
2. Ghi nhớ vào ký ức
Người Do Thái học bằng trí nhớ, thuộc lòng tập Thánh vịnh. Khi Chúa GIÊSU cầu nguyện với Chúa Cha, Ngài dùng Thánh vịnh. Từ muôn thuở, Thánh vịnh là do ý Chúa Cha muốn và được Chúa THÁNH LINH gợi hứng, nhắm đến việc Nhập Thể của Ngôi Lời. Toàn thể tập Thánh vịnh hướng chúng ta về Chúa KITÔ.
Những Thánh vịnh mà Chúa GIÊSU đọc thuộc lòng:
Tác giả thư gửi người Do Thái đặt vào môi miệng Ngôi Lời nhập thể, câu nói của Thánh vịnh 40: "Cha không muốn lễ vật, cũng không muốn hiến vật, nhưng Cha đã tác thành cho con một thân xác" (Dt 10,5). Một lời khác của Thánh vịnh 30: "Lạy Cha, Con phó thác linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Thánh vịnh 21: Chúa GIÊSU đọc Thánh vịnh này khi bị treo trên Thánh Giá. Ngài công bố chính mình hoàn tất trọn Thánh vịnh này. Dưới chân Thánh Giá, Mẹ Chúa GIÊSU và môn đệ dấu ái tiếp tục cầu nguyện Thánh vịnh này cho đến cùng. Câu cuối: "Đó là điều Chúa đã làm" có liên hệ với Thánh Vịnh 117. Chúa GIÊSU cất tiếng đọc Thánh vịnh 21 để làm lớn mạnh niềm hy vọng Phục Sinh nơi Giáo Hội Ngài. Trọn cuộc đời Chúa GIÊSU diễn ra giữa hai câu Thánh vịnh.
3. Nghiền ngẫm (suy đi nghĩ lại)
Nghiền ngẫm hay nhai lại là một tác động của thân xác: nhai lại một thức ăn đã được đưa vào dạ dày rồi. Ví dụ như con bò nhai lại thức ăn nó đã đưa vào bụng hồi sáng, để ăn lại lần thứ hai.
Lời Chúa một khi được đọc lên và được ghi vào ký ức thì sẽ được bảo tồn trong trí nhớ. Đan sĩ có thể gợi Lời Chúa từ trí nhớ để hưởng nếm lại hương vị của Lời Chúa mà đan sĩ đã từng hưởng nếm. Gợi lại trí nhớ để hưởng nếm THIÊN CHÚA ngọt dịu dường nào: là nhai lại, là nghiền ngẫm.
Ba yếu tố trên đây của việc "suy gẫm" có thể diễn tả bằng động từ:
1. Nói: đọc to tiếng
2. Nghĩ: ghi vào ký ức
3. Nhớ lại: nghiền ngẫm
Đó là ba giai đoạn (ba biến tượng) cần thiết của cùng một sinh hoạt.
Nơi hội đường, Lời Chúa được tuyên đọc trong bầu khí lễ lạc vui tươi. Tập tục hội đường được dùng nhắm mục đích làm hưởng nếm Lời Chúa nơi Giáo Hội. Bầu khí lễ lạc vui tươi; dân chúng thi nhau chạm đến ống ghi lề luật; một sức mạnh phát ra từ TORAH để chữa lành.
Lc 4,21: "Hôm nay, đoạn Kinh Thánh anh em vừa nghe đã được ứng nghiệm". Chúa GIÊSU phán:"Chính Thầy đây, Thầy giải thích cho anh em nghe đoạn văn này". Lời của Ngôi Lời mang lại ơn thánh. "Chúa GIÊSU nói Lời THIÊN CHÚA, và cùng lúc đó, Ngài trao ban THÁNH LINH" (A. Feuillet).
Đọc Lời Chúa nơi hội đường được tiếp nối trong đời sống thường ngày nhờ việc nghiền ngẫm những gì đã nghe. Người Do Thái có khả năng lắng nghe, giúp nối kết tâm lòng, thể xác và trí tuệ, đó là điều thống nhất mọi khả năng tinh thần. Đọc Lời Chúa góp phần thống nhất toàn hữu thể và khả năng của chúng ta.
Đối với các đan sĩ Qumrân, đọc Lời Chúa là phương cách chuẩn bị con đường đi vào sa mạc (Is 43). Đọc chuyên chăm lề luật và yêu mến lề luật. Các đan sĩ phải tỉnh thức. Trọn một phần đêm được dành để nghiền ngẫm Lề Luật.
Một khi chăm chú đọc Lời Chúa, chúng ta sẽ nghe tiếng Bạn Chí Thánh gõ cửa. Cửa giống như tấm màn, mỗi lúc một trở nên trong suốt (Kn 6,12-15; Kh 3,20; Dc 5,2).
Trong truyền thống Do Thái, có ba điều buộc gắn liền với việc đọc Lời Chúa:
- Cần mẫn
- Khổ chế
- Khiêm tốn
1. Cần mẫn: đức tính này rất quan trọng. Không thể đọc Lời Chúa bất cứ giờ nào và bất cứ chỗ nào. Sự kiện biết giữ đúng một giờ giấc nhất định, cho dù ngắn ngủi, thì việc đọc Lời Chúa chắc chắn sẽ đem lại nhiều kết quả.
2. Khổ chế: Thật lòng gạt bỏ một bên tất cả các bận tâm khác, để dành trọn thời giờ cho Chúa. Giờ giấc của cộng đoàn được phân chia với chủ ý đó.
3. Khiêm tốn bên trong. (Mt 11,25): "Con ngợi khen Cha vì đã che dấu những điều ấy với kẻ khôn ngoan và người thông thái, nhưng đã mặc khải cho kẻ bé mọn".. Đọc Lời Chúa được dành riêng cho những kẻ bé mọn. Sự khiêm tốn tạo nên khoảng trống cần thiết để Lời Chúa gây tiếng vang trong chúng ta.
Các nhà thờ của các đan viện thời thế kỷ 12 thường chỉ trình bày trơ trụi một biểu tượng duy nhất là quả tim, nơi Lời Chúa có thể gây tác động, qua hình ảnh Trái Tim Vô Nhiễm của Trinh Nữ Maria. Cũng thế, bài hát bình ca (chant grégorien), tức bài hát theo thể âm hiệu, là bài hát thanh đạm, trinh khiết, khó nghèo và tuân phục.
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA
Theo truyền thống Do Thái giáo
a. Việc đọc Lời Chúa trở thành thơm ngon như sữa đối với trẻ sơ sinh (1P 2,2).
b. Lời Chúa thanh luyện hữu thể con người. Lời Chúa là lửa có sức thanh luyện, giống như bạc nơi lò đúc: "Chúng con đã được trong sạch nhờ ở những lời Thày giảng dạy" (Ga 15,3). Lời Chúa tẩy rửa, thanh luyện chúng ta. Lời Chúa cho phép tu sửa lại hình ảnh THIÊN CHÚA nơi chúng ta. Khuôn mặt đích thực của chúng ta chính là khuôn mặt của Chúa Kitô.
c. Tuân hành Lời Chúa tức là gìn giữ và thực thi Lời Chúa. Tv 118.
d. Lời Chúa làm tăng trưởng và hoạt động cách kín đáo. Chúng ta cảm nhận được sự phong phú vô cùng và nhiệm mầu của Lời Chúa. Khi THIÊN CHÚA phán bảo thì cùng lúc Ngài cũng tự trao ban. Lời Chúa được tiếp nhận trong đức tin sẽ sinh hoa trái.
e. Đọc Lời Chúa giúp tránh khỏi việc kéo dài Lời Chúa bằng ngôn ngữ loài người.
Châm ngôn:
- Hãy biến Torah thành công việc thường ngày của con.
- Nơi nào học biết nhiều về Torah, nơi đó rất sinh động.
- Kẻ nào tậu được nhiều lời của Torah thì cũng chiếm được Cuộc sống vĩnh cửu.
V. TRUYỀN THỐNG KITÔ CỦA VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA
Trong thời Giáo Hội tiên khởi, các tín hữu tiếp tục truyền thống đã nhận lãnh từ trường dạy Do Thái.
Chính Chúa GIÊSU khởi đầu việc đọc Lời Chúa cho các môn đệ của Ngài: Nơi trình thuật hai môn đệ trên đường làng Emmaus (Lc 24,13), Chúa giải thích cho họ hiểu Kinh Thánh, nghĩa là Ngài dạy cho hai môn đệ, xuyên qua bản văn Kinh Thánh, biết "đọc thấy tận bên trong", biết khám phá ra ý nghĩa sâu xa của Kinh Thánh để nhận biết khuôn mặt của Ngài. Điều mà Chúa GIÊSU làm nơi bàn ăn: "Ngài cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ", cũng chính là điều mà Ngài làm trước đó với hai vị trên đường đi. Chúng ta tìm thấy nơi đây hai khung cảnh mà Công Đồng chung Vatican 2 nói tới: "Thế là mắt họ mở ra", như trước đó trên đường đi. Một khi Chúa GIÊSU biến đi, thì Ngài để lại cho họ Kinh Thánh và Bánh ăn. Việc hiểu Kinh Thánh giúp hai môn đệ nhận ra khuôn mặt của Chúa KITÔ nơi Maisen, các tiên tri và các Thánh vịnh. Giáo Hội tiên khởi đã sống trong hơi thở của buổi khai mào mầu nhiệm Phục Sinh này.
LỜI CHÚA ĐƯỢC VIẾT RA LÀ ĐỂ NGHE CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐỌC
Đối với thánh Cypriano, thì từ ngữ la tinh "Lectio Divina" ám chỉ cuốn Kinh Thánh: "Anh em hãy luôn có sách Kinh Thánh trong tay". Học biết Đọc Lời Chúa tức là học biết Phúc Âm.
Thời xưa, người đọc được xem như là người phát ngôn của tác giả. Những người đọc trong các buổi Phụng vụ là những người "đọc chính Lời Chúa", họ là những trợ lý của THIÊN CHÚA.
Khi Lời Chúa được tuyên đọc trong cộng đoàn Phụng vụ, thì Chúa Kitô hiện diện thật sự nơi đó. Ngay cả khi chúng ta đọc Lời Chúa riêng một mình, thì cũng có sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô Phục Sinh nữa.
Thánh Cypriano dành một chỗ đứng quan trọng cho việc đọc Lời Chúa. Vào thời các thánh Giáo Phụ, việc đọc Lời Chúa diễn ra trong bầu khí vô cùng trang trọng. Lời Chúa trao ban cùng thông truyền THIÊN CHÚA và dạy chúng ta biết những sự thuộc về Ngài. Danh từ "Lectio Divina" được dịch ra "Đọc Lời Chúa", phải được hiểu trong ý nghĩa sống động, nghĩa là, Lời đến từ THIÊN CHÚA và trao ban THIÊN CHÚA.
Lời Chúa trở thành sức mạnh khi được viết ra, nhưng Lời Chúa trở nên sống động khi được tuyên đọc, được công bố. Từ ngữ loài người là những chất thể mang Lời Chúa. Chúng ta có thể so sánh với Bí Tích Thánh Thể: Bánh và Rượu là những chất thể, nhưng phần cốt yếu chính là Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Lời Chúa được viết ra là để nghe chứ không phải để đọc. Nếu chúng ta viết ra Lời Chúa, chính là để chúng ta có thể nghe được Lời Chúa, mà trước hết, Lời Chúa là một sứ điệp. Đọc Lời Chúa riêng một mình cho chúng ta cảm tưởng như là chúng ta đọc Lời Chúa trong một cuốn sách khác. Đọc Lời Chúa là một Bí Tích; không nên lẫn lộn với việc đọc sách thiêng liêng. Khi đối diện với Lời Chúa, không nên đặt mình trong địa vị của một người đọc, nhưng là một người nghe. Khi chúng ta lắng nghe, thì tâm lòng chúng ta được mở rộng hơn để tiếp nhận Lời Chúa, tiếp nhận chính THIÊN CHÚA.
Kết quả đầu tiên của Lời Chúa:
1. Ơn thống hối: "Nghe những lời đó, ai nấy đều hết sức cảm động" (Cv 2,37).
2. Thái độ sẵn sàng: "Họ hỏi Phêrô và các tông đồ: Thưa các Ông, chúng tôi phải làm gì?".
3. Ơn hoán cải đời sống.
VI. CỘNG ĐOÀN THAM DỰ PHỤNG VỤ: NƠI ƯU TIÊN CHO VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA
Việc suy gẫm riêng chuẩn bị cho việc tham dự Phụng vụ và được kéo dài trong cô tịch. Thánh Antôn, sống vào năm 320, là một mẫu mực cho cuộc sống đan tu. Ngài là Thánh Phụ của các đan sĩ đông phương. Thánh nhân suy gẫm Lời Chúa để chuẩn bị tham dự Phụng vụ. Một ngày, khi đi đến nhà thờ, thánh nhân suy gẫm đoạn sách Tông Đồ Công Vụ kể lại chuyện các tông đồ từ bỏ tất cả để bước theo Chúa Kitô. Khi thánh nhân bước vào cộng đoàn thánh, đúng lúc đang đọc đoạn Phúc Âm nói về người thanh niên giàu có. Ngài nghe câu Chúa phán: "Nếu con muốn nên trọn lành, hãy bán tất cả và theo Ta". Thánh Antôn tiếp nhận Lời này, như Lời Chúa GIÊSU đặc biệt phán riêng cho Ngài. Sau buổi Phụng vụ, thánh nhân liền thi hành từng chữ của lệnh truyền: hãy bán tất cả. Sau đó thánh nhân rút lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện, thể theo lời khuyên của thánh Phaolô là phải cầu nguyện không ngừng.
Phụng Vụ, suối nguồn và chóp đỉnh của đời sống Kitô
Phụng vụ, không phải do hình thức nhưng là do mầu nhiệm của mình, Phụng vụ là suối nguồn và là chóp đỉnh của đời sống Kitô. Đời sống đan tu là một cuộc sống nội tâm và đồng hóa với cuộc sống Kitô, một cuộc sống phát sinh từ ba bí tích khai tâm: Rửa tội, Thêm Sức và Thánh Thể.
Việc đọc Lời Chúa đưa dẫn đến suối nguồn và phát sinh từ chóp đỉnh; nó cũng đưa chúng ta đến việc đọc Lời Chúa trong Giáo Hội, là suối nguồn tưới gội cuộc sống thường ngày và sinh ra hoa trái của Chúa THÁNH THẦN. Do đó điều quan trọng là, các bản thánh ca trong các buổi Phụng vụ, phải mang sắc thái thật đơn giản, có thế mới làm nổi bật chỗ đứng duy nhất cần thiết: đó là Lời Chúa. Các bản thánh ca phải mang 3 đặc tính: - khó nghèo (nghĩa là không cần đệm nhiều nhạc khí); - thanh khiết Phúc Âm (nghĩa là không cần phải văn chương bóng bẩy), nhưng đi thẳng vào mục đích; - tuân phục (nghĩa là đi sát với các bản văn Kinh Thánh). Tất cả những đòi buộc đó có mục đích làm cho buổi hát Phụng vụ được trở thành buổi đọc Lời Chúa.
Phụng vụ là nơi chốn ưu tiên cho việc đọc Lời Chúa
Lúc ở riêng một mình, chúng ta chỉ cần lập lại những gì chúng ta làm chung nơi cộng đoàn. Chúa GIÊSU nói với hiền thê mình là Giáo Hội rằng: "Hãy đưa mặt em ra!", và Giáo Hội đã làm cho Đức Lang Quân nghe tiếng mình nơi Phụng Vụ.
Lúc cử hành Thánh Thể, chúng ta gặp lại cơ cấu chính yếu của buổi đọc Lời Chúa:
Bài Đọc - Lectio (Đọc)
Thánh Vịnh đáp ca và Bài giảng - Meditatio (Suy Gẫm)
Kinh nguyện Thánh Thể - Oratio (Cầu Nguyện)
Hiệp Lễ - Contemplatio (Chiêm Ngắm)
Nơi Phụng Vụ Giờ Kinh cũng thế:
Thánh Vịnh chuẩn bị tâm lòng cử hành Lời Chúa:
Bài đọc – Lectio
Đáp ca vắn – Méditatio
Kinh Cầu (thường rút ý từ Phúc Âm của ngày hôm đó) – Oratio
Kinh Nguyện của Giáo Hội thường có nguồn gốc từ việc Đọc và Suy Gẫm. Một phương thế đơn giản để suy gẫm nơi phòng riêng, là làm theo lược đồ của một buổi cầu nguyện do thái sau đây:
1. Tán tụng
2. Tung hô
3. Cầu xin
4. Kết thúc
Kinh nguyện Kitô dâng lên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.
VII. MỐI LIÊN HỆ GIỮA VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA VÀ THÁNH THỂ
Giáo Hội luôn kính trọng Kinh Thánh, giống như kính trọng chính Thân Thể của Chúa GIÊSU, đặc biệt là trong Phụng Vụ Thánh Thể. Giáo Hội không ngừng lấy Lời Chúa từ bàn thánh, giống như lấy Mình Thánh Chúa Kitô, bánh sự sống, từ bàn thánh và trao cho các tín hữu vậy (Dei Verbum).
Chỉ có một Bánh Sự Sống ban cho chúng ta từ bàn thánh là Lời Chúa và Mình Chúa Kitô. Các Thánh Giáo Phụ nhìn thấy nơi chương 6 của Phúc Âm theo thánh Gioan, bài giảng về Lời Chúa. Bánh Lời Chúa là bánh bất tử. Khi mở Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy: "Đây là bánh từ trời". Origène nói: "Chúng ta uống Máu Chúa KITÔ, là sự sống, không những trong nghi thức Thánh Thể nhiệm mầu, mà cả khi chúng ta nhận lãnh Lời của Chúa nữa".
Đọc Lời Chúa là lãnh nhận Bánh Sự Sống giống y như khi chúng ta rước chính Mình Thánh Chúa GIÊSU Kitô trong thánh lễ vậy.
TỪ ĐỌC LỜI CHÚA ĐẾN CHÚA BA NGÔI
Ngôi Lời xâm chiếm chúng ta để ôm trọn chúng ta trong vòng tay của Chúa THÁNH LINH và đưa chúng ta đến cùng THIÊN CHÚA CHA. Chúng ta phải đi tham dự buổi đọc Lời Chúa giống như hiền thê trong sách Diệu Ca: "Hãy lôi kéo em, chúng ta cùng chạy mau!".
Thánh Jérôme viết: "Tôi nghĩ rằng, Mình Chúa Kitô cũng là Phúc Âm của Ngài, Bánh Chúa Kitô và Thịt Ngài, chính là Lời Chúa và giáo lý thiên quốc. Nơi trần gian này chúng ta chỉ có một thứ của cải duy nhất: đó là chúng ta nuôi sống bằng Thịt của Ngài và uống bằng Máu của Ngài, chẳng những trong Bí Tích Thánh Thể, mà còn trong buổi đọc Lời Chúa nữa".
Kinh Thánh nằm trong khối các Bí Tích và việc Nhập Thể. Chúng ta không thể đến gần Chúa nếu chúng ta trừu tượng hóa nhân tính của Chúa Kitô. Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho Kinh Thánh. Chính nhờ các từ ngữ Kinh Thánh mà chúng ta đạt đến sự hiểu biết THIÊN CHÚA. Mọi kinh nguyện Kitô đều đâm rễ trong giao tiếp với Lời Chúa. Thomas Merton viết: "Trong Kinh Thánh, Ngôi Lời không nhập thể trong thân xác nhưng trong lời con người. Chúa hiện diện trong Kinh Thánh giống như trong Thánh Thể, để được yêu mến, thờ lạy và nhất là, để được lắng nghe".
Như thế, đọc Lời Chúa là đối thoại với Chúa Kitô và rước Chúa vào lòng. Kinh Thánh làm cho chúng ta hiểu biết Chúa Kitô Thánh Thể và Thánh Thể trao ban cho chúng ta Chúa Kitô Kinh Thánh. Việc đọc Lời Chúa giúp chúng ta hiểu biết con tim Chúa GIÊSU, và Thánh Thể trao ban con tim Chúa GIÊSU cho chúng ta.
VIII. KINH THÁNH VÀ ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG TRONG TRUYỀN THỐNG
Philoxène de Mabbourg qua đời năm 450 là người sống đồng thời với thánh Biển Đức, nhưng tại Đông phương. Ngài là đan sĩ, sau làm giám mục. Philoxène trình bày cho chúng ta quy luật "métanie" trước Phúc Âm: đặt tầm quan trọng nơi thị giác, với sự đóng góp của toàn thân thể. Các năng lực cảm nghiệm và trí thức đều được dùng trong lãnh vực thiêng liêng để được THIÊN CHÚA BA NGÔI chiếm giữ.
Đọc Lời Chúa bao trọn mọi chiều kích của con người:
- Khi "đọc" (lectio), mắt nhìn bản văn và tai nghe Lời Chúa
- Khi "suy gẫm" (meditatio), trí thông minh được tận dụng
- Khi "cầu nguyện" (oratio), tinh thần bày tỏ cùng THIÊN CHÚA
. Khi "chiêm ngắm" (contemplatio), THIÊN CHÚA bày tỏ cùng linh hồn.
Việc đọc Lời Chúa thống nhất toàn hữu thể con người, bởi vì toàn hữu thể con người đều góp phần vào việc đọc Lời Chúa.
IX. THỜI TRUNG CỔ
1035 - 1101 Thánh Bruno
1090 - 1153 Thánh Bênađô
1070 - 1121 Thánh Đa Minh
1182 - 1126 Thánh Phanxicô thành Assisi
1182 - 1246 Thánh Lutgardo
1193 - 1252 Thánh Clara thành Assisi
1225 - 1274 Thánh Tomassô Aquino
1256 - 1302 Thánh Gertrude
1347 - 1380 Thánh Catarina thành Sienna.
Thánh Bênađô. Thánh Bênađô trú ngụ nơi Kinh Thánh: ngài cử động trong Kinh Thánh, sống trong Kinh Thánh; ngài sống vì Kinh Thánh và muốn cho người khác cũng sống Kinh Thánh. Thánh nhân là người của Kinh Thánh cách tuyệt hảo.
Thánh Guillaume de Saint-Thierry. Thánh Guillaume khuyên nên đọc Kinh Thánh có quy củ theo giờ giấc nhất định. Ngài đề nghị nhớ thuộc lòng một đoạn Kinh Thánh, và chú ý cách riêng đến một số đoạn Kinh Thánh để làm cho linh hồn quen thuộc với những đoạn Kinh Thánh này. Thánh Guillaume không thể hàn huyên đề tài nào khác ngoài đề tài Kinh Thánh. Giấc ngủ của ngài như được ru bằng Kinh Thánh.
Thánh Goswin. Đối với thánh Goswin thì Lời Chúa là phương thuốc chữa trị nỗi buồn. Lời Chúa đúng thật là một phép trị liệu hữu hiệu. (Chữa bệnh bằng Lời Chúa).
Thánh nữ Gertrude. Chính Chúa GIÊSU dạy Thánh nữ Gertrude cách thức đọc Lời Chúa:
1. Đọc: "Đọc trình thuật cuộc Khổ Nạn"
2. Suy Xét: "Khảo sát với trọn lòng yêu mến". Điều Chúa dạy Thánh nữ phải tìm kiếm trong Lời Ngài, chính là Tình yêu.
3. Viết: "Hãy viết Lời Ta". Điều gì được viết ra thì được ghi vào trí nhớ và vào con tim. Khi việc đọc Lời Chúa trở nên khô khan thì cách đơn giản nhất là nên chép lại bản văn.
4. Giữ lại: "Hãy giữ lại Lời Ta". Lc 2,19: "Phần Maria, Bà ghi nhớ tất cả những biến cố đó và suy gẫm chúng trong lòng".
Giáo Phận Lạng Sơn