Đừng tự vất bỏ giá trị sâu xa
Người biết suy tư thường dị ứng với những câu khẩu hiệu rỗng ruột. Người tín hữu giáo dân biết suy tư cũng dị ứng với những khẩu hiệu, dù khẩu hiệu ấy có thể cắt nghĩa nhiều cách. “Tốt đời đẹp đạo” chẳng hạn, là lối nói muốn cho đẹp lòng thế gian hơn là làm Thiên Chúa hài lòng.
Đọc những câu khẩu hiệu ở các cơ sở Công giáo, người ta tự hỏi sao không dùng Lời Chúa, có sức thu hút, có tầm vóc cao cả và có sức sống? “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” chẳng hạn, nghe cũng còn đỡ hơn nhiều, nhưng vẫn không quen như chính Lời Chúa: “Các con là ánh sáng thế gian”.
Sống Phúc Âm là chiếu ánh sáng vào thế gian vốn tối đen này, là cách để Phúc Âm hoá cuộc đời. Nhưng Phúc Âm hoá là gì? Hội Thánh, bằng giáo huấn xã hội của mình, công bố:
“Phúc Âm hoá xã hội có nghĩa là đưa vào tâm hồn con người sức mạnh của ý nghĩa và sự tự do tìm thấy trong Tin Mừng, để xây dựng một xã hội phù hợp với con người, vì phù hợp với Đức Kitô: có nghĩa là xây dựng một đô thị cho con người có tính người hơn bởi vì nó phù hợp hơn với Nước Chúa.” (số 63)
Có ba yếu tố: tự do – có tính người – vì phù hợp với Đức Kytô và Vương quốc của Người. Giáo Hội dùng cách nói súc tích ấy để chuyển tải chính sứ điệp của Tin Mừng: “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào”.
Những xáo trộn trong xã hội, sự lung lay các nền tảng, sự đánh tráo các chuẩn mực... đều bắt nguồn từ việc loại trừ Thiên Chúa. Tin Mừng chuyển tải sứ điệp yêu thương, tự do và sự thật. Khi né tránh Tin Mừng của Chúa, người ta đánh mất những giá trị ấy.
Hội Thánh vẫn không ngừng dạy cho con cái mình hiểu và sống sự thật này: xã hội chỉ có tính người khi nó phù hợp với Nước Chúa. Sự sống và nhân phẩm là quà tặng của Thiên Chúa, gắn liền với siêu việt tính của Ngài là Đấng tạo thành con người. Nhưng quả đáng buồn, nhiều người từ chối ân huệ đó.
Trong xã hội, có nhiều người hiểu biết, có học, có kinh nghiệm, vẫn chạy theo những ảo ảnh và chối bỏ chính mình cùng những giá trị cao quí Chúa ban cho mình. Khai lý lịch không có Đạo chẳng hạn, để có chỗ đứng trong xã hội. Nhưng đứng mà làm gì khi chính mình từ chối giá trị sâu xa của mình.
Từ bỏ chỗ đứng hướng về siêu việt của mình, con người cũng sẽ tự tách ra khỏi đoàn người đã khởi hành đi về với ơn Cứu chuộc. Và do vậy, những tương quan xã hội cũng gãy đổ. Tiếng nứt vỡ của những bàn tay đan nhau gây cho thế giới cơn rúng động rợn người.
Giáo huấn Xã Hội Công giáo dạy: “Khi loan báo Tin Mừng, Giáo Hội “làm chứng cho con người nhân danh Đức Kitô, làm chứng cho phẩm giá và thiên chức của con người là hiệp thông với những người khác. Giáo Hội dạy cho con người biết những đòi hỏi của công lý và hoà bình phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (số 63)
Thật tuyệt vời khi Giáo Hội chỉ rõ ra rằng khi con người hiệp thông với nhau, họ có cơ may và có sự hướng dẫn để nhận ra công lý và hoà bình “phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Vua Salomon ngày xưa đã đi tìm sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa, nên công lý hoà bình cũng ngự trị trong vương quốc của ông. Và khi ông bắt đầu xa rời sự khôn ngoan ấy, thì triều đại của ông cũng dần dần tàn lụi.
Có những con người chưa nhận biết Chúa, nhưng họ vẫn sống theo lương tâm ngay chính. Giáo Hội dạy rằng chỉ với ánh sáng lý trí, con người cũng có thể nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa. Và sự nhận biết chung chung về Đấng Tối Cao cũng đồng thời chiếu cho con người ánh sáng bên trong để họ hành xử phù hợp với nhân vị và phẩm giá của mình.
Tiếc rằng, và thật rất tiếc, có những người đã được ân huệ đi vào mối thân tình với Chúa qua Đức Giêsu, lại bằng cách này cách khác bắt tay với các quyền lực chống lại Ngài. Phải chăng cách sống Đạo qua khẩu hiệu cộng với những mồi nhử thế gian làm con người quên mất địa vì mình.
Thời bây giờ có một lối nguỵ biện rất lạ đời. Khi người ta làm điều sai lạc hoặc đi theo thần dữ, nếu có ai lên tiếng thì họ lại bảo phải thông cảm và chấp nhận sự khác biệt. Cái nguy hiểm là người ta không phân biệt “sự khác biệt” và “sự đúng sai”.
Khái niệm “khác biệt” chỉ chấp nhận được khi cả hai đều đúng nhưng cách thể hiện khác nhau. Còn một bên ủng hộ công lý hoà bình, bên kia ủng hộ cái ác và cái sai thì không thể dùng khái niệm “khác biệt” để giải thích hay biện hộ.
Giáo Hội dạy “làm chứng cho phẩm giá và thiên chức của con người”, mà lại đi làm chứng cho những nỗ lực hạ thấp phẩm giá và thiên chức ấy, thì không còn là vấn đề “khác biệt”, mà là vấn đề của luân lý và chân lý.
Ước chi thế gian sớm nhận ra mình được mời gọi để được cứu. Và ước chi con người đừng đứng về phía bóng tối, đừng ủng hộ bóng tối, bởi không có bóng tối nào dày đặc đến đâu lại có thể giữ được chính mình trước ánh sáng rạng ngời của Thiên Chúa là Chúa muôn loài.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs