Hình Đức Đạt Lai Lạt Ma
VIỆC CẤP BÁCH ĐẦU TIÊN là ĐẢM BẢO TÁI SINH có THÂN NGƯỜI KHỎE MẠNH
...dù ai đó dường như thành công trên đường đời, nhưng họ cũng không đáng là đối tượng để ganh tỵ, vì họ vẫn nằm trong vòng trói buộc của khổ đau và bất mãn. Thật ra, nếu nghiêm túc nghĩ về điều này, chúng ta thấy rằng được thành công trong xã hội, thì vọng niệm càng nhiều, vì có sự tương phản phức tạp giữa hy vọng và sợ hãi, cùng hiểu biết và sự chướng ngại.
Những gì ngài Thánh Đề Bà (Aryadeva) thuyết trong quyển Tứ Bách Kệ Tụng (bốn trăm bài kệ) có lẽ rất đúng. Ngài thuyết rằng tâm tình của những ai may mắn thành công trong xã hội thường bị nhiều nỗi bức rức, phiền muộn; những kẻ nghèo cùng bị phiền muộn vì sự đau khổ của thân thể.
Do vô minh khống chế, tất cả chúng sanh đều sống cuộc đời khổ đau. Phải gấp rút tinh tấn phát tâm tu hành giống như mình là một bịnh nhân bị bịnh Sida, vì mạng sống của mình được tính toán qua từng ngày. Cũng vậy, phải nghĩ: 'Vẫn còn bị thế lực vô minh tà kiến chi phối, thì sớm muộn gì cũng bị trói buộc. Thế nên, tôi phải tu hành ngay bây giờ'.
Tương tự, không bao giờ có được niềm hạnh phúc chân thật nếu vẫn bị ba độc [tham, sân, si] khống chế, sai sử. Thật ngu xuẩn và đáng thương biết mấy, nếu biết có khả năng tự giải thoát ngoài vòng trói buộc đó mà không chịu tinh tấn hành trì.
Khi quán chiếu về những điều này, rồi nói: 'Ba nẻo luân hồi trong cõi Ta Bà', thì từ trong tâm khảm sâu xa thốt ra: 'Ồ! Tôi phải thoát ra khỏi vòng đó'; nghia là nguyện ước được giải thoát khỏi vòng trói buộc của ba độc.
Tuy nhiên, để thành tựu, cần có thời gian tu tập thiền quán dài lâu; đôi khi, có thể kéo dài suốt bao đời. Việc cấp bách đầu tiên là phải đảm bảo được tái sanh vào những cõi an lành như có thân người trang nghiêm khỏe mạnh trong tương lai để tiếp tục tu hành hướng về mục tiêu giải thoát dở dang.
Để làm điều đó, việc cần thiết chủ yếu là sống cuộc đời luân lý đạo đức, tức là tránh làm mười điều xấu bao gồm ba nghiệp xấu về thân (giết hại, ăn cắp, tà dâm), bốn nghiệp xấu về miệng (nói láo, nói lời độc ác, nói lời chia rẽ, nói lời nhãm nhí vô ích), ba nghiệp xấu về tâm (tham lam, sân hận, tà kiến). Để phát tâm tinh tấn sống đời đạo đức qua cách hành trì mười điều lành, phải thẩm thấu nguồn máy của luật nhân quả.
Tuy nhiên, về quan điểm của động cơ ẩn tàng trong nghiệp quả, về mối tương quan giữa hành vi và quả báo, và về cách dẫn dắt chúng sanh đến cảnh giới cao siêu, thì chúng vẫn còn vượt ngoài tầm hiểu biết thông thường. Vào lúc đầu, không thể hiểu rõ khía cạnh vi tế nhất của thuyết nghiệp báo. Do đó, có lẽ cần có đôi chút niềm tin hay dựa vào lời đức Phật dạy về thuyết nghiệp báo. Vì vậy, sống đời đạo đức trong khuôn khổ của luật nghiệp báo liên hệ mật thiết với việc quy y Tam Bảo; nghĩa là gần như thọ tam quy ngũ giới.
Phải chắc chắn tự tin rằng sẽ sống theo năm giới căn bản, luật nghiệp báo, đạo đức luân lý được thể hiện qua sự hành trì mười điều lành. Nhận biết kinh điển có đề cập sự quý báu của thân người sẽ tăng cường niềm hoan hỷ phát khởi điều đó. Ở đây, chưa hề bàn về sự khiếm khuyết bất tịnh của thân thể và những chất ở trong đó, mà đang bàn về một thân thể trang nghiêm đẹp đẽ mang nhiều ý nghĩa, tiềm năng, và cách dùng nó với mục đích thanh cao, v.v..., để trưởng dưỡng lòng tự tín dũng mãnh. Vì thế, ở giai đoạn đó, chớ chú tâm vào nhược điểm của thân thể như sự bất tịnh, không hoàn hảo, v.v..., mà đặc biệt nếu có vấn đề rắc rối về việc tự hận hay thiếu tự tín, vì điều này có thể làm vấn đề nghiêm trọng và tệ hại hơn; chỉ nên bàn về đặc tánh, lợi ích, và ưu điểm của thân người để hiểu rõ tiềm năng của nó và cấp bách phát nguyện dùng nó theo chiều hướng tích cực.
Kế đến, hành giả được nhắc nhở về lý vô thường và sự chết, qua một câu thông thường: Một ngày nào đó sẽ không còn có mặt ở đây. Hãy tỉnh giác về lẽ vô thường và hiểu biết thích đáng về tiềm năng lớn lao vô cùng cực của thân người, để tự tín khẩn thiết phát nguyện: 'Tôi phải xử dụng mọi thời gian quý báu của cuộc đời'.
Trích @: http://www.thuvienhoasen.org/tritamsanhan-00.htm
TRỊ TÂM SÂN HẬN
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Dịch giả: Thích Hằng Đạt