Results 1 to 1 of 1

Thread: Người con tàn phế bới rác nuôi cha mẹ

  1. #1
    Senior Member
    Join Date
    Feb 2009
    Posts
    267

    Default Người con tàn phế bới rác nuôi cha mẹ

    36 năm qua, người đàn ông ấy sống cuộc sống của một người tàn phế, lưng nổi lên một khối u lớn còn đôi chân thì teo lại như bị rút hết xương. Duy chỉ còn sức mạnh ở đôi tay giúp anh di chuyển, đi nhặt phế liệu kiếm cơm nuôi thân và nuôi bố mẹ già bệnh tật.

    Anh Nguyễn Kim Viện
    Đó là anh Nguyễn Kim Viện, 49 tuổi ở thôn Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, Thành phố Bắc Ninh.
    Trở về từ cửa tử
    Trong căn nhà cũ tồi tàn xiêu vẹo, hai cụ già bệnh tật tuổi ngoài 70 sống nhờ hoàn toàn vào người con trai tàn phế. Bà con trong xóm vẫn bảo: “Nó đã bị như thế sao còn bắt đi làm cái việc cực nhọc đó?”. Cụ bà giấu giọt lệ khô trong hốc mắt sâu trũng, thở dài: “Không để nó đi như thế thì còn biết làm thế nào? Chúng tôi già rồi, không nuôi nó được nữa, phải để nó nuôi mình thôi”.
    Ông Nguyễn Kim Vượng, cha của anh Nguyễn Kim Viện, rầu rĩ kể về số phận bất hạnh của con trai mình. Năm cậu bé Viện mới học lớp 2, trên đường đi học về bị dầm mưa rồi cảm lạnh. Ông bà cứ nghĩ con mình chỉ bị cảm lạnh thông thường, đến khi thấy cậu lên cơn co giật, sốt miên man mới đưa con đi bệnh viện. “Lúc ấy nhà tôi nghèo lắm, tài sản duy nhất có thể bán để đưa nó đi bệnh viện là chiếc xe phượng hoàng”.
    Đưa con ra bệnh viện tỉnh rồi bệnh viện trung ương nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ: “Không qua khỏi đâu, về nhà có cái gì thì cho cháu nó ăn đi”. Nhìn con bị liệt, chân tay không cử động được rồi ngày càng teo lại, có người cha người mẹ nào mà không đau thắt lòng! Hễ có ai mách ở đâu có thầy thuốc, có chút hi vọng là ông bà lại đưa Viện đi chữa. Nhiều lần, ông lên tận Lạng Sơn cắt thuốc của thầy lang cho con. Cuối cùng, trời không phụ lòng người, cậu bé ấy vẫn sống cho đến bây giờ.
    Một đôi tay nuôi 3 cái miệng
    Thế nhưng, hi vọng nhỏ nhoi có thể sống cuộc sống người thường, đi lại bằng đôi chân, lấy vợ sinh con đẻ cái như bạn bè cùng trang lứa đã vĩnh viễn vụt tắt. Anh Viện ngày ngày chỉ biết ngồi một chỗ nhìn bạn bè chạy nhảy vui đùa mà thèm khát một lần được như vậy. Anh kể: “Mới đầu, tôi chán nản không thiết sống. Nhưng rồi lâu dần cũng quen, cũng thích nghi được cuộc sống của một người tàn phế. Vậy mà lắm lúc vẫn ao ước một cuộc sống của người đầy đủ chân tay lắm chị à”.

    Anh Viện đang xử lý sản phẩm nhặt được
    Tai họa ập đến cướp đi cuộc sống bình thường của anh khi mới 13 tuổi thì đến năm 2004, anh lại đối mặt với nguy cơ bại liệt toàn thân khi bị thoát vị đĩa đệm. Một lần nữa anh Viện lại vượt qua được nhờ anh em họ hàng cùng làng xóm giúp đỡ số tiền mổ.
    Cuộc sống của một người tàn phế khó khăn một thì với anh Viện lại gấp mười lần vì còn phải đỡ đần cha mẹ đã già yếu lại lắm bệnh tật. Ba miệng ăn trông chờ vào 3 sào ruộng khoán và số tiền trợ cấp người tàn tật 120.000đ/tháng, đó là chưa kể đến khoản tiền thuốc thang cho cả ba người.
    “Chẳng về không thì làm thế nào”
    Hàng ngày, người dân phường Hạp Lĩnh, TP. Bắc Ninh vẫn thường thấy một người đàn ông ngồi xe lăn đi nhặt rác quanh phố, quanh những bãi rác gần đó. Người ta vẫn quen miệng gọi anh là “ông Viện cụt chân” mặc dù anh chỉ mới 49 tuổi. Anh Viện chỉ mới đến với "nghề" nhặt rác cách đây 6 năm, khi ấy, gia đình vét hết thóc trong hòm, mua được cho anh chiếc xe lăn cũ của một người xóm bên. Được một ông cụ hàng xóm cho cục nam châm, anh sáng chế ra cây nam châm thu rác, ban đầu anh chỉ đi xung quanh khu phố nhưng khi công việc đã thành thạo, anh đi những nơi xa hơn, đến những bãi rác cách nhà tới năm sáu cây số.
    Anh kể, từ ngày đi nhặt rác, người khỏe ra, nhanh nhẹn hoạt bát hơn hẳn. Kiếm được chẳng đáng bao nhiêu nhưng còn hơn là ngồi nhà chịu đói”. Tuy nhiên, khi phường Hạp Lĩnh chưa lên phố thì còn có rác để mà nhặt còn bây giờ, rác được công ty môi trường thu gom tận nhà nên công việc của anh cũng khó khăn hơn gấp bội.

    Anh Viện cùng bố mẹ
    Nhiều hôm thấy anh trở về nhà, mẹ hỏi: “Ơ, thế về không à?”, anh lại nhìn mẹ đau xót: “Chẳng về không thì làm thế nào”.
    Cụ Nguyễn Thị Mão, mẹ anh Viện, kể: “Ngày xưa, khi ông bà già này còn khỏe mạnh thì có thể ra đồng làm ruộng nhưng bây giờ, chỉ còn biết sống nhờ vào chú (anh Viện) thôi”.
    Cụ ông đã hai lần phải mổ mắt và mổ viêm đường ruột. Cụ bà thì nay đau mai ốm, đủ các thứ bệnh trong người. Ông bà vẫn chưa đến tuổi hưởng trợ cấp người cao tuổi nên bây giờ, chỉ biết sống nhờ vào đứa con tàn tật.
    Cuộc sống khó khăn, nặng nhọc mỗi ngày hằn lên cơ thể dị dạng của anh. Khuôn mặt khắc khổ, dáng vẻ lầm lụi, ngày ngày, người đàn ông ấy vật lộn với sự đau đớn, dùng chút sức lực còn lại của một người tàn phế để bới rác nuôi cha mẹ già qua ngày. Tấm lưng gù kia đang phải oằn xuống nhưng thẳm sâu trong đôi mắt của anh vẫn ánh lên những khao khát sống cuộc sống của một người bình thường.
    Bạn đọc hảo tâm muốn đóng góp giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Anh Nguyễn Kim Viện, thôn Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, Thành phố Bắc Ninh.
    Last edited by NEP; 11-28-2010 at 01:09 AM. Reason: edit IMG tag

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts