Đinh, vốn từ lâu đã bị coi thường, rất dễ bị hạ gục bằng cái câu cửa miệng: “Chả là cái đinh gì”. Nhưng rồi từ khi đinh trở thành “đinh tặc”, cái câu “chả là cái đinh gì” có lẽ chỉ dùng để nói tới những thứ… không phải là đinh.
Một nạn nhân bị dính đinh trên cầu vượt Sóng Thần, khu vực giáp ranh giữa Bình Dương và TP.HCM (ảnh chụp sáng 15-11) – Ảnh: Mậu Trường
Còn “đinh tặc” thì quả là nỗi ám ảnh của bao người; nhẹ thì xe xì lốp, phải vá hoặc thay ruột mới với giá cắt cổ; nặng thì té ngã, thương tật, thậm chí bỏ mạng. Nhưng nói cho cùng thì đinh cũng “chả là cái đinh gì” nếu như đinh không do người dùng để hại người. Cho nên nói chuyện đinh và người hóa ra là nói chuyện người với người.
Có người thích đùa bảo nhờ “đinh tặc” mà thúc đẩy sáng chế phát minh. Đầu tiên, vào năm ngoái có một người chế ra bộ keo tự dán kèm dây bơm hơi tự động, được coi là dùng để “chơi” lại bọn “đinh tặc”. Được biết, người sáng chế loại keo tự dán này cũng từng có một kỷ niệm nhớ đời với “đinh tặc”. Tiếp sau đó, một loại xe hút đinh chuyên dụng được ra đời, hoạt động khá hiệu quả, khiến khắp nơi mua về dùng để chống “đinh tặc”.
Thỉnh thoảng xem truyền hình thấy các đội xung kích ra quân chống “đinh tặc” thật nghiêm túc và hoành tráng. Xem ra “đinh tặc” đã giúp trí tưởng của mọi người trở nên bay bổng. Chả là Einstein từng nói một câu bất hủ: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn trí thức”. Chỉ tiếc là “đinh tặc” chưa được đưa vào đề tài của phim truyền hình, phim rạp chiếu tết hay phim kinh dị vốn đang rất khan kịch bản.
Nhưng đó là những người thích đùa nói vậy. Còn anh bạn tôi, mới đây bất ngờ sắm môtô, không phải giải quyết khâu oai mà giải quyết khâu đinh. Chả là bạn tôi làm việc ngoài Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương). Dạo này anh làm ca đêm, thường phải đi về khuya khoắt, xe cứ bị thủng lốp, có lần phải dắt bộ đến gần chục cây số. Anh bị ám ảnh, nằm ngủ cứ hay mơ thấy xe trúng đinh, thấy mình dắt xe lả người trên xa lộ, lại mơ thấy mình té ngã ra giữa đường, chiếc xe container lao tới… Bị stress quá nặng, tưởng chừng phải bỏ việc.
Cuối cùng giải pháp được đưa ra là mua môtô. Bởi môtô lốp đặc, nếu bị dính đinh cũng xẹp từ từ. Vậy là xem như đã hóa giải được phần nào chuyện đinh và người. Nhưng đó chỉ là nói chuyện trên đường. Còn khi về nhà chiếc môtô trở nên quá choán chỗ, tiền đổ xăng tốn bộn, chưa kể tiền mua môtô đang phải trả góp… Mà nỗi ám ảnh dễ gì đã được xóa đi khi đinh vẫn rải đầy đường như thế…
Quả thật là không thể chống “đinh tặc” khi chỉ nhằm vào chuyện cái đinh. Bằng chứng là xe hút đinh đã bị vô hiệu hóa khi đinh bằng sắt đã được làm bằng nhôm. Câu chuyện đinh và người thật sự là chuyện người với người.
Những người rải đinh ra đường mà không nghĩ là họ đang rải đinh vào lòng người, cắm đinh vào niềm tin, lương tâm xã hội. Sao lại có thể nghĩ đơn giản rằng rải đinh (để rồi vá xe) cũng chỉ vì kiếm sống? Đến mức vậy rồi sao, mưu sinh của người này là nỗi ám ảnh, chết chóc của người kia!? Luật pháp phải thực thi là điều đã rõ rồi. Nhưng “đinh tặc” vẫn lộng hành. Vậy cái gốc của sự nhiễu loạn ở đâu thì những nhà điều hành xã hội phải tìm hiểu.
Anh bạn tôi trong khi cám cảnh chuyện mình đã thốt lên: “Sao bây giờ đinh nhiều quá”. Rồi anh giải thích thêm: chuyện bảo mẫu giật tóc tạt nước đứa bé ba tuổi vừa rồi cũng như cắm đinh vào trái tim bao người; chuyện Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung vừa trải qua bão lụt bằng một cuộc… đấu giá đểu cũng là cắm đinh vào bao tấm lòng.
Còn tôi rất muốn được kể lại một câu chuyện khác về những cây đinh. Đó là câu chuyện thiền về cậu bé hay nóng giận, người cha cho túi đinh và dặn mỗi lần như vậy hãy đóng một cây đinh vào hàng rào. Một ngày khi cậu bé không còn tức giận nữa, nhổ những chiếc đinh ra thì hàng rào loang lổ sẹo. Những vết sẹo khó lành dù đinh đã được nhổ ra. Đó là câu chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm.